ĐỒNG CHÍ NHẠC PHAN LINH, ĐẠI DIỆN VIỆN CÔNG NHÂN VÀ CÔNG ĐOÀN THAM DỰ KỲ HỌP CHUNG CỦA NHÓM TƯ VẤN TRONG NƯỚC GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU

Ngày đăng: 01/12/2023 Bản in

Từ ngày 27-29/11/2023, tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, TS. Nhạc Phan Linh, đại diện IWTU đã tham dự kỳ họp chung lần thứ ba của Nhóm tư vấn trong nước (DAG - Domestic Advisory Group) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU - European Union).

        Đoàn đại diện DAG Việt Nam đã có nhiều cuộc làm việc song phương với DAG EU (gồm các tổ chức xã hội từ 27 quốc gia thành viên EU) tại trụ sở của Uỷ ban Châu Âu (EC), Uỷ ban Thương mại và Xã hội Châu Âu (EESC). Đoàn cũng đã hội đàm với Chủ tịch Uỷ ban Thương mại quốc tế tại trụ sở của Nghị viện Châu Âu (EP). Nội dung các cuộc làm việc xoay quanh việc đánh giá quá trình thực hiện và kết quả hai bên (VN và EU) trong việc thực hiện các cam kết đã được nêu trong Chương 13- Thương mại và Phát triển bền vững, thuộc Hiệp định Thương mại Tự do VN và EU (EVFTA).

(Đồng chí Nhạc Phan Linh tại Trụ sở Uỷ ban Châu Âu EC)

        Kỳ họp lần này được đánh giá là căng thẳng, bởi một số thành viên và khách mời thiếu thiện chí của DAG EU đã đưa ra một số thông tin, nhận định phiến diện, sai sự thật đối với Việt Nam, họ tập trung vào các vấn đề về nhân quyền, quyền tự do hội họp (vốn nằm ngoài khuân khổ EVFTA), quyền lao động, việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp...Đại diện của IWTU trong DAG VN đã có 2 phiên trình bày và đối thoại trực tiếp; đồng thời kiên quyết, kiên trì đưa ra các lập luận, nhằm đấu tranh, phản bác mạnh mẽ các cáo buộc, ý đồ xuyên tạc vô căn cứ về tình hình phát triển kinh tế ổn định, gắn chặt với thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

        Thành công của kỳ họp này là DAG VN (dù chỉ có 4 thành viên tham dự trực tiếp, so với hơn 20 thành viên của DAG EU), nhưng dưới sự phối hợp, hỗ trợ từ các thành viên DAG trong nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, vẫn thể hiện được vai trò khách quan, độc lập của cơ chế DAG, đồng thời cung cấp, chia sẻ, thuyết phục DAG EU ghi nhận về những bước tiến lớn, đầy tinh thần trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam trong EVFTA. Với lĩnh vực lao động và bảo vệ người lao động, quá trình nội luật hoá các cam kết quốc tế liên quan đến EVFTA, cũng như tiến trình phê chuẩn, thực thi các công ước quốc tế cơ bản của ILO về chống lao động cưỡng bức, chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em, thương lượng tập thể và vai trò của tổ chức Công đoàn... đều đã được nêu bật.

 

Top