"Lương tối thiểu theo cách tính của hơn 10 năm về trước không còn phù hợp với mức sống hiện nay. Cần thay đổi quan niệm để lương tối thiểu phải là lương đủ sống”, TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đưa ra quan điểm.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 12/4 đã thống nhất trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng dự kiến 6% từ ngày 1/7/2022, tức thêm 180.000 - 260.000 đồng so với hiện nay.
Dự kiến lương tối thiểu vùng I sẽ tăng lên thành 4,68 triệu đồng; vùng II là 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 sẽ tăng lên 3,25 triệu đồng.
Theo khảo sát của trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động theo phương pháp tính "Lương đủ sống Anker", mức lương mà một người lao động nhận được cho thời gian làm việc mỗi ngày 8 tiếng có thể duy trì mức sống bình thường tại TP. HCM (thuộc vùng I) vào năm 2020 phải là 7,5 triệu đồng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy trung bình một gia đình 4 người theo tỷ lệ 1,78 người đi làm trong đó hiện mới chỉ đạt thu nhập trung bình là 6,6 triệu đồng, thậm chí có những nơi chỉ đạt 4 - 5 triệu đồng đối với công nhân nữ. Theo dự kiến, mức lương tối thiểu cho vùng I nằm trong cuộc khảo sát nói trên sẽ được tăng lên thành 4,68 triệu đồng.
TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng, nếu chỉ đơn thuần tính các phương án tăng lương tối thiểu vùng lên vài % thì chưa thể giải quyết được gốc rễ của câu chuyện đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động hiện nay. Bà Lan cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng lên 6% chưa phải mức tăng mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn cho người lao động. Vì khảo sát của cơ quan này cho thấy, những người lao động hưởng mức lương thấp nhất hiện nay đang không thể sống được bằng đồng lương của mình, mà phải làm thêm nhiều giờ mới có thể đảm bảo cho chi tiêu hàng ngày.
Từ góc độ của đại diện cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu, tham mưu cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Lan cho rằng, nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 6% chỉ khắc phục được phần nào sự khó khăn cho người lao động chứ chưa thể giải quyết được ngay tức khắc những eo hẹp trong cuộc sống của họ. Người lao động sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sẽ phải làm thêm nhiều giờ để có đủ thu nhập.
“Giải pháp lâu dài là trong những năm tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần nghiên cứu và tính toán lại các cấu phần của công thức tính lương tối thiểu. Hiện nay quan niệm tính lương tối thiểu là để giải quyết bài toán nghèo sinh học chứ chưa cân nhắc tới nghèo đa chiều. Tiền lương tối thiểu hiện nay phải là giải quyết bài toán nghèo đa chiều”, TS. Phạm Thị Thu Lan nhấn mạnh.
Một trong những thành công của Việt Nam trong những năm vừa qua là sự ra đời của Hội đồng Tiền lương Quốc gia và việc cải thiện mức lương tối thiểu hàng năm. Trong 2 năm dịch bệnh hoành hành vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành và triển khai nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động với một loạt các nghị quyết hỗ trợ về cả tiền mặt và nhu yếu phẩm: Nghị quyết 23, Nghị quyết 116, Nghị quyế 68… Đồng thời Chính phủ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện.
“Lương đủ sống là quyền cơ bản của con người. Chất lượng cuộc sống phải được quan tâm. Người lao động phải được sống chứ không chỉ là tồn tại. Lương tối thiểu trong giai đoạn hiện nay không phải là để khắc phục yếu tố chuẩn nghèo sinh học, nghèo về bữa ăn, thức uống, mà cần đảm bảo quan tâm đến đời sống tinh thần, giáo dục, y tế… để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai và bảo vệ sức khỏe tuổi già cho dân số Việt Nam”.
Tuy nhiên, cách tính lương tối thiểu vẫn được cho là còn nhiều bất cập với các chi phí cuộc sống hiện tại cần được cải thiện. Phân tích cụ thể về vấn đề này, bà Lan cho biết thêm, các cấu phần tính lương tối thiểu hiện tại chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sống thay đổi sau hơn 10 năm và chưa theo giá cả thị trường để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Cách tính lương này không có khoản đề phòng rủi ro. COVID-19 là một rủi ro cho thấy người lao động không thể tự mình vượt qua được, phải nhờ cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Điều này là không bền vững.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng chỉ ra, lương tối thiểu hiện nay còn chưa tính đến các yếu tố đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Người lao động phải đóng hơn 10% các phí bảo hiểm nhưng lương tối thiểu lại chưa tính đến cấu phần này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lương tối thiểu không đủ sống.
Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, việc đảm bảo cho người lao động có thể sống bằng lương tối thiểu sẽ đóng góp cho năng suất lao động thông qua tạo động lực làm việc cho họ, qua đó cũng đảm bảo "sức khỏe" cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng gặp khó
Khi nói về các tác động của việc lương tối thiểu vùng đang bị coi là lạc hậu so với mức sống của người dân, TS. Phạm Thị Thu Lan nhận định: “Ngoài việc lương không đủ sống ảnh hưởng tới năng suất lao động, tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì việc lương tối thiểu quá thấp còn ảnh hưởng đến việc kích thích doanh nghiệp chuyển đổi”.
Từ thực tế này, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công Đoàn cho rằng, lương không chỉ để đảm bảo đời sống người lao động mà còn là một biện pháp kích thích chuyển đổi nền kinh tế, chuyển đổi số, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành phát triển thay cho các ngành thâm dụng lao động giá rẻ như hiện nay.
Trong khi đó, đưa ra góc nhìn về phía doanh nghiệp, TS. Lan cho rằng, khi doanh nghiệp bỏ phiếu ủng hộ mức tăng 6% tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa qua nghĩa là họ tự đánh giá khả năng thực hiện được. Đề cập đến vấn đề này, Tổng giám đốc công ty G.C Food Nguyễn Văn Thứ cũng thể hiện sự đồng thuận với mức tăng lương tối thiểu vùng lên 6%. Đây là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản sử dụng nhiều lao động.
“Mức tăng lương tối thiểu vùng lên 6% sẽ ít tác động tới các doanh nghiệp như GC Food. Bởi phần lớn người lao động của GC Food đang nhận mức lương cao hơn mức tối thiểu, trung bình ở mức 6 triệu trở lên. Nếu làm thêm, tăng ca một số giờ trong tuần thì có thể tăng lương lên 7 - 8 triệu trở lên”, ông Thứ chia sẻ.
Cũng theo lời ông Thứ, hiện nay, nếu chỉ trả theo mức lương tối thiểu thì không thu hút được người lao động; mức lương như vậy là quá thấp để họ có thể chấp nhận làm việc cho công ty.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác lại đang gặp khó khăn với kế hoạch tăng lương tối thiểu do gặp khó khăn vì Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh. Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, các doanh nghiệp cũng đều có các chính sách phúc lợi, hỗ trợ người lao động tăng thêm thu nhập, tăng thêm khẩu phần ăn, chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho công nhân.
Do ảnh hưởng của 2 năm đại dịch chưa thể phục hồi, trong khi các đơn hàng đã lên thỏa thuận giá cả từ đầu năm nên không thể thay đổi giá vào giữa năm. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu tăng lương tối thiểu vào thời điểm từ ngày 1/7/2022 sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ. Mới đây, 8 hiệp hội ngành hàng đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng tới ngày 1/1/2023, với lý do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi phục hồi sản xuất.
8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng:
Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Dệt May Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam và Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam.
Trong khi đó, theo TS. Phạm Thị Thu Lan, vấn đề lo ngại nhất của các doanh nghiệp thời điểm này là chi phí đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động.
Bà Lan cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp thường đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu. Còn khi doanh nghiệp đã đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế dựa trên thu nhập thực lĩnh của người lao động thì họ "không còn gì phải lăn tăn".
“Doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật hơn, đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương thực lĩnh của người lao động. Lương tối thiểu là để đảm bảo an sinh xã hội. Việc doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội đúng theo quy định sẽ cản trở nâng lương tối thiểu và ảnh hưởng tới thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước”, bà Lan khuyến nghị.
Theo bà Lan, hiện nay nền kinh tế đã dần phục hồi, đơn hàng của các doanh nghiệp cũng đã nhiều, là cơ sở để các doanh nghiệp đảm bảo trả lương cho người lao động. Hơn nữa, nếu họ muốn thu hút lao động, họ buộc phải làm việc này.
“Trước đây, doanh nghiệp thu hút lao động dễ dàng hơn bởi lực hấp dẫn rời nông thôn ra thành thị kiếm việc làm đối với người lao động. Nhưng sau một thời gian dài, điều này đã đạt đến độ bão hòa. Lực hấp dẫn người lao động bây giờ không phải chỉ là ra thành phố làm việc mà là một mức lương thỏa đáng và đảm bảo an sinh xã hội”, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn nhấn mạnh.