Định hướng phát triển
1. Sơ lược sự hình thành và phát triển của Viện Công nhân và Công đoàn
Viện nghiên cứu Công nhân và Công đoàn được thành lập ngày 1/5/1995 theo quyết định số 946/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN trên cơ sở Trung tâm nghiên cứu - Thông tin Lý luận Tổng Liên đoàn, với số lượng cán bộ nghiên cứu ban đầu là 3 người.
Trải qua hơn 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Viện Công nhân và Công đoàn đã khẳng định được vị trí, vai trò của một đơn vị chuyên sâu nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phong trào công nhân và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Với tinh thần hợp tác và cầu thị, đến nay Viện đã có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, trong đó cộng tác viên thường xuyên khoảng hơn 30 người là các nhà khoa học có uy tín thuộc các cơ quan thuộc hệ thống công đoàn Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hàng đầu của Việt Nam như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí cộng sản, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, Viện nghiên cứu thương mại, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, Trung tâm khoa học dân vận (Ban Dân vận Trung ương), Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, Viện FES (Đức), ILO, ... Trong quá trình cộng tác, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trên đã có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ như viết tham luận hội thảo, biên soạn các chuyên luận, tham gia nghiên cứu tổng kết thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, hiệu đính và thẩm định các đề tài nghiên cứu, biên dịch các tài liệu từ nước ngoài... Việc mở rộng quan hệ với các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu có uy tín đã góp phần tăng thêm tiềm lực khoa học cho Viện.
Viện Công nhân và Công đoàn còn được giao nhiệm vụ tham gia chuẩn bị các bài phát biểu quan trọng của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt là các văn kiện về tầm nhìn chiến lược xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
2. Một số thành tựu nổi bật và tiềm năng nghiên cứu:
- Tham gia nghiên cứu và chủ trì 06 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì nghiên cứu 40 đề tài cấp Bộ, biên soạn và xuất bản 60 đầu sách về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
- Phối hợp với các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, biên soạn lịch sử phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
- Tổ chức trung bình 5 cuộc hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế hàng năm, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học chuyên ngành có uy tín về công nhân và Công đoàn.