Trong cơ cấu các khoản chi của NLĐ, tiền chi cho bữa ăn hàng ngày và tiền đóng học cho con là 2 khoản lớn, chiếm 56,5% tổng chi phí một tháng. Tiền thuê nhà và điện nước, ăn vặt, đảm bảo sinh hoạt tối thiểu chiếm 31%. Tiền tiết kiệm, và gửi về quê cho người thân chiếm gần 17%. Với cơ cấu này, một gia đình công nhân muốn nuôi được con trẻ cần phải có cả bố lẫn mẹ đi làm mới đủ khả năng chi trả.
Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện CNCĐ, tháng 10-11/2022
Nhằm từng bước giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có một loạt giải pháp. Tăng lương tối thiểu vùng định kỳ hàng năm từ 5-8% là một giải pháp cơ bản. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, kiểm soát chặt chẽ giá nhiên liệu xăng dầu, các nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Điều này góp phần làm bớt những khó khăn về chi phí sinh hoạt cho NLĐ.
Nhà ở là nhu cầu thiết yếu, cấp bách của người lao động
Nhà ở là một trong những điều kiện sống và làm việc cơ bản của một NLĐ. Đa số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu nằm trong độ tuổi 15 - 30 tuổi, còn trẻ. Mức thu nhập thấp, chưa có tích lũy khiến NLĐ phải thuê trọ cách xa nơi làm việc. Chỉ 9,7% NLĐ được ở trong các căn tập thể hoặc nơi nghỉ do đơn vị, DN cung cấp. 45,2% lao động di cư phải sống trong các căn nhà trọ cấp bốn. Nhiều căn nhà trọ không gian sinh hoạt chỉ từ 4-10m2. Mức phí thuê trọ dao động từ 600.000 (thuê chung) đến 1.800.000 đồng/tháng (thuê riêng), và có thể cao hơn tại các thành phố lớn; chiếm 17,8% tổng thu nhập và 15% tổng chi tiêu của NLĐ.
Việc không có nhà ở, thiếu liên kết hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt văn hóa, chăm sóc y tế, giáo dục, khiến NLĐ không chỉ gặp khó khăn về đi lại, khó yên tâm công tác, mà còn khiến nhiều lao động phải xa con, gửi con về quê, thiếu thốn tình cảm, sự gắn kết gia đình.
Đối với vấn đề này, 6 tháng đầu năm 2022, thông qua Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP, Nhà nước đã hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho NLĐ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam (02/2023), với việc xác định giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân “an cư lạc nghiệp” là một trong ba trọng tâm của năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo... Đây là một trong những giải pháp cơ sở tiền đề để thu hút, giữ NLĐ đến làm việc, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với các DN.
Điều này đang dần trở thành hiện thực với việc Quốc hội và Chính phủ đang tăng cường phối hợp sửa đổi, xây dựng, ban hành một số chính sách pháp luật cơ bản để giải quyết vấn đề nhà ở của CNLĐ. Cụ thể là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi người dân, đã điều chỉnh theo hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại địa bàn các khu công nghiệp.
Khó khăn sử dụng bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe
Việc NLĐ, đặc biệt lao động khu công nghiệp, khó sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) là do theo quy định trước đây, những người sử dụng BHYT để khám và chữa bệnh, chỉ được hưởng quyền lợi khi đi khám tại bệnh viện vào các ngày trong tuần theo giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6.
Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT và Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT có hiệu lực, đưa ra quy định mới cho phép các cơ sở y tế tự quyết định việc tổ chức khám BHYT ngày thứ 7 tùy theo khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh thì NLĐ sẽ được khám chữa bệnh hưởng bảo hiểm. Tuy nhiên trên thực tế, quy định này chỉ phù hợp với lao động được nghỉ hai ngày cuối tuần. Phần lớn công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp hiện nay đều làm hết ngày thứ bảy (44-48 tiếng), do vậy đi khám vào chủ nhật họ sẽ không được bảo hiểm thanh toán. Chưa kể, việc nếu lựa chọn khám vào thứ 7 hoặc các ngày trong tuần, NLĐ phải xin nghỉ phép hoặc nghỉ không lương. Do vậy lựa chọn duy nhất của họ là khám dịch vụ và chấp nhận việc không hưởng bảo hiểm.
Như vậy, cùng với việc chỉ đạo sửa đổi Luật BHXH theo hướng phù hợp với tình hình thực tế, giảm dần thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, 10 năm để NLĐ thuận tiện theo được (ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần), Chính Phủ cũng cần nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến BHYT để NLĐ được thụ hưởng chính sách.
Trên cơ sở một số khó khăn về việc làm, đời sống, CNLĐ bày tỏ một số nhu cầu, nguyện vọng cơ bản sau:
Nhu cầu về ổn định việc làm
82,6% lao động mong muốn giữ được việc làm ổn định. Trong thời điểm hiện nay, trước tình hình đơn hàng từ các thị trường lớn Âu, Mỹ, Nhật, Hàn chưa có dấu hiệu hồi phục, NLĐ tỏ ra lo lắng về nguy cơ bị mất việc, sa thải, chấm dứt hợp đồng làm việc.
22,7% lao động mong muốn được làm thêm giờ để tăng thu nhập, đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày. 11,2% lao động mong muốn được linh động về thời gian làm việc, thậm chí làm việc từ xa, do trước đó trong đại dịch đã quen với làm việc online, vì vừa có thể đảm bảo thu nhập vừa kiếm thêm các nguồn thu, giải quyết nhiều công việc khác. Một số nguyện vọng khác cũng được NLĐ nêu ra như không phải làm thêm giờ mà vẫn đảm bảo thu nhập, được chuyển công việc khác, không phải làm các công việc kiêm trái với chuyên môn…
Điều này cho thấy ý nghĩa và vai trò rất quan trọng của Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong đó xác định mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là NLĐ, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao giải ngân các gói tín dụng gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng; đồng thời được tiếp tục tái cấp vốn hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho NLĐ.
Khảo sát tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động Công ty TNHH Hải Đăng (Khánh Hòa). Ảnh: Viện CNCĐ.
Nhu cầu tăng lương cơ bản
Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện CNCĐ, tháng 10-11/2022.
66% NLĐ mong muốn được tăng lương cơ bản. Hiện nay, điều này phụ thuộc mật thiết vào mức tăng lương tối thiểu vùng mà Nhà nước ban hành hàng năm. Bởi lương tối thiểu vùng thường được DN coi là căn cứ để xác định mức lương cơ bản (thông thường là chỉ cao hơn một chút so với lương tối thiểu vùng).
Không kể thời gian gián đoạn do bối cảnh Covid-19, mức lương tối thiểu vùng thường được xem xét tăng vào dịp giữa năm (tháng 7). Mức tăng năm 2022 là 6%, còn thấp so với kỳ vọng của NLĐ và tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo về bình ổn giá, tuy nhiên một số mặt hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu, giá nhiên liệu, điện nước tăng liên tục trước đó. Nên lương tối thiểu vùng thực tế không đáp ứng được mức sống tối thiểu, đặc biệt ở các đô thị. Ngoài ra, nhiều DN đang trả cho NLĐ mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng vì vậy dù có chính sách tăng lương nhưng thực chất cơ bản thu nhập chung của họ không tăng, nếu có tăng chỉ tăng ở mức đóng bảo hiểm. Vì vậy, ý nghĩa của mức lương tối thiểu vùng ít được NLĐ chú ý khi chỉ có khoảng 20% NLĐ quan tâm đến tăng lương tối thiểu vùng.
Bên cạnh những đề xuất về tăng thu nhập có nhiều đề xuất được NLĐ quan tâm như được tăng ca nhiều hơn mức quy định hiện nay hoặc được vay vốn với lãi suất thấp để ổn định cuộc sống.
Việc cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đặc biệt là thực đơn cần đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên thay đổi cũng là một trong những mối quan tâm lớn của 31,7% người lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hiệp Long (Bình Dương) trong giờ ăn ca. Ảnh: Viện CNCĐ.
Nhu cầu cải thiện điều kiện làm việc
NLĐ làm việc tại các DN luôn phải đối mặt với vấn đề áp lực của công việc, nhất là các lao động làm việc theo nhóm, theo chuyền sản xuất. Mong muốn được cải thiện điều kiện làm việc là mong muốn chính đáng và cơ bản của họ.
Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện CNCĐ, tháng 10-11/2022.
42,5% NLĐ mong muốn giảm áp lực, khối lượng công việc. Lý do là do giảm sút sức khỏe sau khi đa phần lao động đã từng nhiễm Covid-19, hoặc có những vấn đề nhất định về sức khỏe. Mặt khác, trong bối cảnh thiếu đơn hàng, DN cắt giảm nhân sự nhiều bộ phận, dẫn đến những người ở lại phải cáng đáng làm thêm việc của người khác. Việc cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đặc biệt là thực đơn cần đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên thay đổi cũng là một trong những mối quan tâm lớn của 31,7% NLĐ. Bên cạnh đó, vấn đề tăng diện tích không gian làm việc và giảm thiểu các hóa chất độc hại được NLĐ chú trọng hơn. Sau dịch bệnh, NLĐ quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Nhu cầu chăm lo hạnh phúc cá nhân Về vấn đề hôn nhân gia đình, lao động trẻ ở Việt Nam đang có xu hướng kết hôn muộn. 77,9% lao động trong độ tuổi từ 20-24 tuổi chưa kết hôn, trong khi con số này đối với độ tuổi từ 25-29 tuổi là 43,5%. Nhiều lao động cảm thấy chưa đủ điều kiện để chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, điều kiện lao động và công việc đang làm khiến một bộ phận tự ti về bản thân. Môi trường công việc công nghiệp, ít không giao lưu, gặp gỡ, ít các thiết chế văn hóa tinh thần khiến họ hạn chế trong giao tiếp xã hội trực tiếp, trong khi tăng cường giao tiếp trên các nền tảng mạng. Nhìn chung, để cải thiện việc làm, đời sống cho CNLĐ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hướng vào 10 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với NLĐ; rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi của CNLĐ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ CNLĐ; quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học và các thiết chế khác cho CNLĐ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách hỗ trợ tín dụng cho CNLĐ, giúp công nhân tiếp cần nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng CNLĐ mắc bẫy “tín dụng đen”; công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện để CNLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng… |