Trên thực tế, chính sách về lao động việc làm được thiết lập, duy trì và đang trong giai đoạn hoàn thiện, ổn định từ nhiều năm nay. Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp lý. Các quy định của pháp luật về lao động từng bước mở rộng đến NLĐ cả trong khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng có sự đàm phán để đi đến thống nhất giữa các bên, gồm đại diện của Chính phủ, NLĐ và người sử dụng lao động thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia thể hiện sự công bằng, khách quan, minh bạch về chính sách tiền lương. Việt Nam đã phê chuẩn 8/9 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO về thương lượng tập thể, tuổi lao động, lao động trẻ em, trả công bình đẳng, chống phân biệt đối xử... Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 đã đề cập đến chính sách nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm; mở rộng cơ chế về giải quyết tranh chấp lao động… Những quy định để tăng tuổi nghỉ hưu nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai.
Tuy nhiên, quay trở lại các vấn đề liên quan trực tiếp đến NLĐ trong thời gian qua, mặc dù hệ thống chính sách pháp luật về quan hệ lao động là khá đồ sộ, nhưng về cơ bản, NLĐ thường quan tâm đến một số nội dung chính sách cụ thể, liên quan mật thiết với công việc, điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Nhóm các chính sách được NLĐ đánh giá là dễ tiếp cận và được thụ hưởng tốt
Nhìn chung, những chính sách có tính phổ quát, đã được luật hóa liên quan trực tiếp đến tiền lương, thời giờ làm việc, chế độ đặc biệt thường được quan tâm nhiều. Nhóm chính sách này bao gồm: quy định về tăng mức lương tối thiểuvùng từ 01/7/2022 (Nghị định số 38/2022/NĐ-CP); thông báo bảng kê trả lương chi tiết cho NLĐ (Điều 95, Bộ luật Lao động); kiểm soát thời giờ làm thêm không vượt quá quy định (Điều 107, Bộ luật Lao động); vấn đề nghỉ giữa giờ tính vào thời giờ làm việc (Điều 109, Bộ luật Lao động); vấn đề đối thoại định kỳ để giải quyết các vấn đề của NLĐ (Nghị định 145/2020/NĐ-CP); chế độ dành cho lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 và Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CP); chế độ lao động nữ trong thời gian hành kinh (Điều 137, Bộ luật Lao động 2019 và Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CP). Tỷ lệ NLĐ được thụ hưởng các chính sách này đạt từ 70% đến 87%. Mức độ hài lòng đạt từ 42,4% đến 71,5%.
Một chính sách cũng được NLĐ rất quan tâm, nhưng mức độ tiếp cận và thụ hưởng còn hạn chế. Đó là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà và hỗ trợ quay trở lại thị trường lao động được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, sau đại dịch Covid-19 (Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022). Tuy nhiên, sau 7-8 tháng triển khai, số lượng NLĐ được thụ hưởng chưa được bao phủ rộng. Cụ thể, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà tối đa 3 tháng cho NLĐ mức 5 trăm nghìn đồng/tháng mới có 57,6% được thụ hưởng và 59,1% đánh giá hài lòng; chính sách hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động vớimức hỗ trợ 01 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng mới chỉ có 48,5% NLĐ được thụ hưởng và 51,3% trong số đó đánh giá hài lòng.
Sự chậm trễ về tốc độ triển khai các gói hỗ trợ, cứu trợ dễ dẫn đến cảm giác hụt hẫng cho NLĐ, tâm lý “chính sách có cũng như không”, làm mất ý nghĩa thiết thực, tính cấp thiết, thời sự trong hành động.
Khảo sát điều kiện làm việc của công nhân may Công ty TNHH Crystal Martin (Bắc Giang). Ảnh: Viện CNCĐ.
Nhóm chính sách NLĐ khó tiếp cận và có tỷ lệ thụ hưởng thấp
Một số nhóm chính sách khác về hỗ trợ NLĐ và con công nhân đã được Chính phủ rốt ráo xây dựng, ban hành, nhưng quá trình triển khai lại chưa được nhanh chóng.
- Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, NLĐ làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học (Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020). Sau hơn 2 năm triển khai, vẫn có đến 64,4% NLĐ chưa nắm được thông tin và 23,4% cảm thấy chưa hài lòng dù được thụ hưởng.
- Chính sách cho vay tài chính tiêu dùng lãi suất thấp đối với NLĐ tại các khu công nghiệp (gói 20.000 tỷ) được đề cập từ tháng 6/2022: Thời hạn cho vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày, sau gần nửa năm, 65% NLĐ vẫn chưa biết đến thông tin và 25% cảm thấy chưa hài lòng với nội dung gói vay.
- Chính sách NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có quyền nghỉ dài hạn không hưởng lương hoặc hưởng một phần lương để nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ mà vẫn được giữ chỗ làm việc; được ưu tiên kéo dài thời hạn hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng mới: 57,9% chưa biết đến thông tin và 15,2% chưa hài lòng với quá trình triển khai.
Nhóm các chính sách cần được tăng cường
Trên cơ sở tình hình tiếp cận và thụ hưởng các chính sách như trên, NLĐ cũng thể hiện mong muốn được tăng cường nhiều chính sách hơn nữa, đặc biệt là chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và cả người sử dụng lao động. Theo lý giải của NLĐ, ý thức từ việc doanh nghiệp có kinh doanh tốt mới đảm bảo được việc làm, từ đó ổn định thu nhập, khiến họ ủng hộ việc Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đảm bảo đơn hàng, sớm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các chính sách dành cho NLĐ mới có điều kiện để phát huy giá trị.
Nguồn: Kết quả khảo sát của Viện CNCĐ, tháng 10-11/2022.
Trước bối cảnh khó khăn về thị trường lao động việc làm, một điều hiển nhiên, NLĐ mong mỏi Nhà nước tập trung xây dựng và đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách như: tạo việc làm, dạy nghề; chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; chính sách duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm; chính sách về giải quyết các vấn đề khó khăn, cấp bách của NLĐ và chính sách ưu đãi đối với NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập
Trước những thách thức của thị trường lao động việc làm, nhưng cũng đồng thời xuất hiện những cơ hội phát triển mới; trên cơ sở thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ, ngày 10/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.
Với 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết được xác định là: Thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao… Để đạt mục tiêu trên, ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định là: Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; Thứ hai, phục hồi và ổn định thị trường lao động; Thứ ba, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động.
Tập trung xây dựng và đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách như: tạo việc làm, dạy nghề; chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc thao tác trên máy tiện vạn năng. Ảnh: Hoàng Hùng.
Trong nhóm nhiệm vụ thứ ba, các giải pháp cơ bản, cụ thể, có ý nghĩa trực tiếp đối với việc cải thiện cơ hội việc làm, điều kiện lao động, thu nhập, đời sống của NLĐ được xác định là: a) Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; b) Tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; c) Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ; d) Đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động…; đ) Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho NLĐ.
Với các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được xác định kịp thời, cụ thể, đồng bộ như trên, nền tảng việc làm, thu nhập, đời sống của CNLĐ chắc chắn sẽ ngày càng được cải thiện, củng cố. Những khó khăn của NLĐ sẽ dần được giải quyết, tháo gỡ. Những cơ hội phát triển mới, mang tính bền vững sẽ ngày càng mở ra. Sự quan tâm chăm lo, đầu tư nguồn lực, từ khung chính sách, đến thúc đẩy hạ tầng thông tin kết nối, đến mục tiêu phát triển con người toàn diện,… chính là nền tảng vững chắc để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra.
Cần phải khẳng định điều này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, CNLĐ Việt Nam, từ trong truyền thống lịch sử, đã luôn là lực lượng tiên phong cách mạng, luôn đứng ở vị trí trung tâm của các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Do vậy, khi bàn về đối tượng thụ hưởng, mục tiêu của chính sách là công nhân, cũng có nghĩa chúng ta có một sự bảo đảm, sự khẳng định từ lịch sử, cũng như sự tin tưởng lớn ở hiện tại và tương lai về sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi 80% NLĐ mong muốn được tập trung vào mục tiêu có việc làm và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, mong muốn được khẳng định, được ghi nhận trong công việc cũng là quan điểm của 40% NLĐ. Điều này cho thấy một động lực rõ ràng là, bên cạnh việc lao động để kiếm tiền, thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình; tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm với công việc, cũng như quyết tâm, nỗ lực muốn khẳng định bản thân trong công việc là những giá trị mà NLĐ Việt Nam luôn hướng tới.
Như vậy, có thể thấy rằng CNLĐ không chỉ cho thấy quyết tâm, bản lĩnh vươn lên trong lao động sản xuất, trong công việc, cuộc sống; mà còn là tiền đề cơ bản, quan trọng, cho việc thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc cho giai cấp công nhân Việt Nam thời đại mới.
TS. NHẠC PHAN LINH - THS. NCS. LÊ THỊ HUYỀN TRANG - THS. LÊ NGỌC DUY - CN. NGỌ DUY TÂN CƯỜNG, Viện Công nhân và Công đoàn