Triển khai thực hiện "Đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động Công đoàn cơ sở"

Ngày đăng: 17/11/2023 Bản in

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo hướng xây dựng Công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động; lấy sự hài lòng của người lao động là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn. (trích Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3.9.2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới).

Phan Trang (đưa tin)

     Để biết đoàn viên đang nghĩ gì về hoạt động Công đoàn tại cơ sở, Tổng LĐLĐVN, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải, đang tiến hành lấy ý kiến của đoàn viên. Việc lấy ý kiến được đoàn viên thực hiện độc lập và đây là lần đầu tiên Tổng LĐLĐVN thực hiện đề án này.

Đảm bảo sự minh bạch

     Việc lấy ý kiến của đoàn viên về hoạt động Công đoàn tại cơ sở sẽ kết thúc trước ngày 25.11.2023. Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Đề án “Đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn ở cơ sở”.

    Khoảng hơn 16.000 phiếu lấy ý kiến đoàn viên Công đoàn thuộc một số Công đoàn cơ sở của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Viện Công nhân và Công đoàn gửi trực tiếp tới các đoàn viên. Cụ thể, Đề án sẽ lấy ý kiến của các đoàn viên thuộc 12 LĐLĐ tỉnh, thành và 4 CĐ ngành trong đó, có LĐLĐ TP Hà Nội, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, CĐ Điện lực Việt Nam, CĐ Giáo dục Việt Nam…

    Để đảm bảo tính chân thực, minh bạch của các phiếu lấy ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải đã có văn bản gửi các LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương và tương đương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN có đoàn viên được khảo sát đề nghị nắm bắt được thông tin cuộc khảo sát trên để hỗ trợ giải đáp.

    Đặc biệt đề nghị cán bộ Công đoàn các đơn vị này quán triệt tới CĐ cấp dưới không can thiệp vào việc trả lời phiếu của đoàn viên, để từng đoàn viên tự trả lời đảm bảo kết quả khảo sát mang tính khách quan và chính xác; không copy phiếu để gửi các đoàn viên khác trả lời. Thông tin của đoàn viên được quản lý độc lập và không để lộ dưới bất kỳ hình thức nào. Kinh phí trả lời phiếu khảo sát được Viện Công nhân và Công đoàn chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản cá nhân do đoàn viên cung cấp sau khi trả lời phiếu khảo sát.

Biết đoàn viên nghĩ gì để hoạt động tốt hơn

    Đây là lần đầu tiên Tổng LĐLĐVN thực hiện một đề án để nắm bắt sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động Công đoàn ở cơ sở. Trước đó, trong một số cuộc làm việc với các LĐLĐ tỉnh, thành, CĐ ngành Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải đã đề cập tới việc muốn biết Công đoàn cơ sở hoạt động như thế nào thì cần biết đoàn viên, NLĐ ở đó nghĩ gì về Công đoàn của đơn vị. Việc này không chỉ dừng ở chỗ tất cả đoàn viên biết số điện thoại hay Zalo của cán bộ Công đoàn.

Đoàn viên thuộc LĐLĐ Thành phố Hà Nội là một trong những nơi thực hiện phiếu lấy ý kiến đoàn viên. Ảnh: Kiều Vũ

    Với lần “đo lường” này, hoạt động CĐ được đưa ra để đoàn viên tại khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh đánh giá gồm: Quyền Công đoàn của NLĐ; tư vấn, tuyên truyền, vận động NLĐ; xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, bảo vệ quyền lợi NLĐ trong quan hệ lao động; chăm lo cho NLĐ; hoạt động văn hóa, thể thao; thu chi tài chính CĐ; đối thoại định kỳ với người sử dụng lao động; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; hội nghị NLĐ; hội nghị cán bộ công chức, viên chức; ban thanh tra nhân dân của đơn vị (đối với khối HCSN). Để các ý kiến đánh giá đảm bảo, đoàn viên tham gia cho ý kiến phải làm việc 12 tháng (11.2022 - 10.2023) tại đơn vị.

    Mỗi nội dung lấy ý kiến đều đưa ra những câu hỏi cụ thể, ví dụ ở nội dung xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, bảo vệ quyền lợi NLĐ trong quan hệ lao động có câu hỏi: CĐ nơi anh/chị làm việc có tham gia sửa đổi hoặc xây dựng mới thang lương, bảng lương, quy chế trả lương không. Hoặc khi xảy ra vi phạm (hành vi vi phạm quyền lợi của NLĐ), CĐ nơi anh/chị làm việc có hành động để bảo vệ quyền lợi của NLĐ không…

Nguồn: Đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động Công đoàn cơ sở (laodong.vn)

Top